NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

1. Mục đích, yêu cầu của việc Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo tác giả Đoàn Hùng nam trong tác phẩm Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thời hội nhập cho rằng: “Mục đích cuối cùng trong cuộc cạnh tranh là tối đa hóa lợi ích đối với doanh nghiệp và đối với người tiêu dùng là lợi ích tiêu dùng và sự tiện lợi”. Vì vậy mục đích của việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp là việc nâng cao năng lực chiếm lĩnh thị trường bằng cách hạ giá sản phẩm, nâng cao chất lượng của sản phẩm, hoặc tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng. Từ đó, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn với giá rẻ hơn, làm cho nền kinh tế phát triển, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ được nâng cao và đời sống của nhân dân được tốt đẹp hơn.

Thông qua bài viết “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” của tác giả Vũ Văn Phúc đăng trên tapchicongsan.org.vn thì để Nâng cao năng lực cạnh tranh thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:

Một là, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phải được thực hiện một cách lành mạnh, doanh nghiệp không được vi phạm các quy định của pháp luật hay thực hiện các hành vi phi đạo đức, trái ngược với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam hay bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thị trường. Ví dụ như để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một lúc lành mạnh, doanh nghiệp cần phải nắm rõ các quy định của pháp luật về cạnh tranh, các quy định của nhà nước về các hoạt động của doanh nghiệp cũng như không được phép thực hiện các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh như bôi nhọ, bịa đặt, nói xấu đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực ngành nghề.

Hai là, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo được chiến lược phát triển kinh doanh từ trước của doanh nghiệp. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc phá vỡ Doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nắm rõ những điểm mạnh, điểm hạn chế, những cơ hội và thách thức mà Doanh nghiệp đang có để đưa ra phương án nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả và phù hợp nhất. Nếu như một doanh nghiệp đã xác định ngay từ đầu rằng nguồn lao động là nguồn lực then chốt của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó phải tiếp tục tập trung nhiều hơn phát triển các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vốn có của họ để tăng khả năng cạnh tranh. Hoặc nếu như doanh nghiệp đó luôn đề cao chất lượng sản phẩm là trụ cột chính của doanh nghiệp thì họ cũng nên tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm của họ. Thay vì sa đà tập trung vào nâng cao quá nhiều khía cạnh không phải vốn là thế mạnh, chúng ta có thể thấy rằng việc tập trung vào một lĩnh vực được xem là thế mạnh nhất của doanh nghiệp là một cách đơn giản trong việc phát triển cũng như nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh phải phù hợp với các điều kiện thực tế từ bên trong lẫn bên ngoài của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt và phát huy các thế mạnh nội lực của mình như khả năng tài chính, nguồn nhân lực, thiết bị cũng như nắm bắt các thông tin về thị trường, khách hàng, các đối thủ có năng lực tương tự với doanh nghiệp của mình. Trên cơ sở đó làm tiền đề để mà doanh nghiệp xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh khả thi và thực tế từ đó có thể đứng vững và chiếm được thêm thị phần trên thị trường. Ví dụ như việc một doanh nghiệp vừa mới thành lập với các điều kiện về tài chính, thiết bị, nhân lực còn hạn chế thì doanh nghiệp đó trước tiên phải lựa chọn được các đối thủ có nguồn lực tương tự để cạnh tranh trước khi nghĩ đến việc cạnh tranh đến các đối thủ đã quá mạnh trong lĩnh vực ấy. Vì vậy việc nâng cao năng lực cạnh tranh rất yêu cầu tính thực tế, khả thi và dễ thực hiện để thúc đầy doanh nghiệp nếu không rất dễ đưa doanh nghiệp đến một cuộc canh tranh không tương xứng dẫn đến thất bại.

Bốn là, các giải pháp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đòi hỏi tính bền vững trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là một quá trình lâu dài, bền bỉ , liên tục học hỏi cái mới, cập nhật thông tin của thị trường, đối tác, đối thủ,… chứ không phải chỉ cần ngày một ngày hai là doanh nghiệp có thể ngay lập tức nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhìn chung, để nâng cao năng lực của doanh nghiệp thì bốn yêu cầu trên là bốn yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng để có thể thành công trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chiếm được thêm thị phần về mình

Tiêu chí đánh giá việc nâng cao năng lực cạnh tranh
Tiêu chí đánh giá việc nâng cao năng lực cạnh tranh

.

  1. Nội dung và giải pháp của việc Nâng cao năng lực cạnh tranh
  2. Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đa dạng hóa sản phẩm

Theo Giáo trình Kinh tế và tổ chức quản lí sản xuất trong doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, NXB Đại học Xây dựng thì Đa dạng hóa sản phẩm là quá trình phát triển cải biến, sáng tạo ra nhiều loại sản phẩm từ những sản phẩm truyền thống sẵn có, đồng thời cải biến và nhập ngoại nhiều loại sản phẩm cùng loại, phong phú về chủng loại và mẫu mã từ những sản phẩm thô đến sản phẩm qua chế biến. Đây là một trong những phương thức căn bản để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tham khảo bài viết “Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ – Hướng đi tất yêu cho các Ngân hàng thương mại trong bối cảnh hội nhập” của Giảng viên Hạ Thị Hải Ly – Đơn vị: Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, Phân viện Bắc Ninh thì lợi ích của việc đa dạng hóa sản phẩm là:

–    Thứ nhất là phân tán rủi ro cho Doanh nghiệp theo nguyên tắc “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Việc cung cấp danh mục sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú giúp phân tán rủi ro cho hoạt động của các Doanh nghiệp. Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ là rất cần thiết, là tấm đệm dự phòng cho các Doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra rủi ro.

–    Thứ hai là giúp Doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn thu từ danh mục sản phẩm, dịch vụ phong phú. Doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận tăng cao chính là một lợi thế vượt trội của chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Doanh nghiệp có thể tận dụng chiến lược này để tối đa hóa các nguồn lực sẵn có, phát triển thêm các nguồn lực mới và tăng sức mạnh chinh phục thành công.

–    Thứ ba và cũng là quan trọng nhất đó là giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ của các Doanh nghiệp trong nước ngày càng gay gắt và chịu sức ép lớn của các Doanh nghiệp nước ngoài với công nghệ vượt trội, tính năng hiện đại. Nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong thời kỳ mới, các Doanh nghiệp trong nước cần đa dạng hóa sản phẩm theo chiều sâu, tập trung vào sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, có đặc điểm nổi trội so với thị trường để tạo sự khác biệt trong cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao nhất.

Có nhiều phương pháp khác nhau để đa dạng hóa sản phẩm, trích theo bài viết “Tìm hiểu chi tiết về chiến lược đa dạng hóa sản phẩm” của Công ty Cổ phần Tập đoàn TINO thì có 6 phương pháp nâng cao năng lực trạnh bằng cách đa dạng hóa sản phẩm phổ biến nhất hiện nay như sau:

Đổi bao bì sản phẩm: Một số doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm của mình bằng cách thay đổi bao bì của chúng. Về bản chất, thiết kế bao bì của sản phẩm phụ thuộc vào các đối tượng tiếp thị mà doanh nghiệp hướng đến. Hình dáng bên ngoài là một trong những nhân tố thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng. Điều này đặc biệt chính xác đối với các sản phẩm đa dụng nhưng chỉ được bán cho một nhóm khách hàng cụ thể. Thay đổi bao bì tạo ra nhiều cơ hội mới để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận của sản phẩm.

Đổi tên sản phẩm: Một số doanh nghiệp đổi tên sản phẩm để tăng cơ hội xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Phương pháp này giúp sản phẩm tăng sức hấp dẫn trong mắt người dùng. Đồng thời, đổi tên sản phẩm còn là một chiến lược tiếp thị mang tính đột phá của mọi doanh nghiệp. Trong trường hợp này, các sản phẩm mới thường khá tương đồng với sản phẩm gốc nhưng lại được tung ra thị trường với một tên gọi hoàn toàn mới. Bằng cách “thay tên đổi họ” và điều chỉnh phương thức tiếp thị, sản phẩm của bạn sẽ phát triển tốt hơn khi “bước sang vùng đất mới”.

Đổi kích thước, số lượng sản phẩm: Thay đổi kích thước và số lượng cũng là phương pháp hữu hiệu để doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp thay đổi kích thước hoặc số lượng sản phẩm nhằm thu hút các đối tượng khách hàng khác nhau. Ví dụ, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm có kích thước từ nhỏ đến lớn với các mức giá khác nhau để phù hợp với “túi tiền” của mọi khách hàng.

Định giá lại sản phẩm: Doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm giá thành của sản phẩm để tạo nên sự đa dạng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giảm giá thành hầu như rất ít được áp dụng. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp đều chọn cách thức tăng giá thành sản phẩm sau một thời gian tung ra thị trường.

Mở rộng thương hiệu: Phương pháp này thường được áp dụng bởi các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng cao cấp, như: trang sức, ô tô, máy tính, điện thoại thông minh,… Doanh nghiệp mở rộng thương hiệu bằng cách giới thiệu đến khách hàng các tính năng cao cấp hơn về dòng sản phẩm của họ. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao danh tiếng mà còn thu hút đúng khách hàng tiềm năng – nhóm đối tượng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm chất lượng, bất chấp giá thành.

Mở rộng sản phẩm: Một sản phẩm có thể được đa dạng hóa nhờ vào phương pháp mở rộng sản phẩm. Các doanh nghiệp thực hiện phương pháp này bằng cách giới thiệu một số phiên bản khác nhau của cùng dòng sản phẩm. Chẳng hạn, doanh nghiệp cung cấp một sản phẩm với đa dạng mẫu mã và màu sắc khác nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể cung cấp các phiên bản sản phẩm mới với những tính năng được bổ sung, nâng cấp. Chiến lược này giúp doanh nghiệp thu hút những khách hàng quan tâm đến tính thẩm mỹ hoặc tính năng cải tiến cụ thể của một sản phẩm. Ví dụ: Apple cung cấp các phiên bản Iphone với nhiều màu khác nhau.

Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua hạ giá sản phẩm

Theo tác giả Nguyễn Hà trong bài viết “Chiến lược giảm giá kinh doanh: Có nên áp dụng không? Bí quyết giúp tạo dựng sự thành công” đăng trên website tuha.vn thì giảm giá trong kinh doanh là chiến lược được áp dụng rất nhiều nhằm mục đích tăng doanh thu bán hàng nhanh chóng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người hay là mở rộng thị phần. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng giải pháp này như một chiêu thức để “vượt mặt” các đối thủ cạnh tranh của mình.

Dựa trên nghiên cứu của Software Advice, giảm giá là chiến lược đầy hiệu quả dành cho các nhà bán lẻ và được đánh giá cao cho việc hiện thực hóa đối với 97% người tham gia khảo sát. Không chỉ có các doanh nghiệp nhỏ mới sử dụng đến chiến lược giá này, các bạn có thể thấy rất nhiều chương trình giảm giá đến từ các thương hiệu lớn. Theo đó, các chiến lược giá nói chung và chiến lược giảm giá kinh doanh nói riêng chính là điều kiện nhằm đảm bảo cho khả năng xâm nhập thị trường, mở rộng thị phần của các doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách giảm giá bán của doanh nghiệp là một chiến lược mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tham khảo theo tài liệu “Những vấn đề chung về phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung” thì những lợi ích mà giải pháp này mang lại như sau:

  • Giúp nâng cao doanh số bán hàng, tăng tỷ lệ chốt đơn thành công.
  • Giúp khách hàng cảm thấy “hạnh phúc” khi mua sắm, gia tăng trải nghiệm tốt.
  • Tăng khả năng nhận thức về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp.
  • Tạo cảm giác tích cực hơn về sản phẩm, thương hiệu trong mắt khách hàng.
  • Giúp cạnh tranh trực tiếp với đối thủ cạnh tranh.
  • Về lâu dài, nếu sản phẩm của bạn tốt có thể tăng độ hài lòng với khách hàng và họ có thể trở thành một kênh tiếp thị 0 đồng.
  • Nhanh chóng bán được hàng tồn nếu bạn đang tồn số lượng lớn.

Vậy để nâng cao năng lực cạnh bằng  đưa giá thành sản phẩm của doanh nghiệp xuống thấp hơn giá thị trường thì doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp sau:

            Nâng cao năng suất lao động: Nâng cao năng suất lao động có thể làm cho số giờ công tiêu hao để sản xuất một đơn vị sản phẩm được giảm bớt hoặc làm cho đơn vị sản phẩm làm ra trong một đơn vị thời gian được tăng thêm. Kết quả của việc nâng cao năng xuất lao động sẽ làm cho chi phí về tiền lương trong một đơn vị sản phẩm được hạ thấp. Nhưng sau khi năng suất lao động được nâng cao, chi phí tiền lương trong một đơn vị sản phẩm được hạ thấp nhiều hay ít phụ thuộc vào chênh lệch giữa tốc độ tăng năng suất lao động và tốc độ tăng tiền lương. Khi xây dựng và quản lý quỹ lương phải quán triệt nguyên tắc tốc độ tăng năng suất lao động phải vượt quá tốc độ tăng tiền lương bình quân. Kết quả sản xuất do việc tăng năng suất lao động đưa lại, một phần để tăng lương, một phần khác để tăng thêm lợi nhuận của doanh nghiệp. Có như vậy mới có thể vừa đảm bảo sản xuất vừa nâng cao mức sống công nhân viên.

            Tiết kiệm nguyên vật liệu tiêu hao: Nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất thường khoảng 60 – 70% . Bởi vậy, ra sức tiết kiệm nguyên vật liệu tiêu hao có ý nghĩa quan trọng đối với việc hạ thấp giá thành sản phẩm. Để tăng năng suất lao động và tiết kiệm nguyên vật liệu cần phải chú ý 2 biện pháp sau: Tăng cường cải tiến máy móc, trang thiết bị theo hướng ngày càng hiện đại, tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới và Nâng cao trình độ chuyên môn của mọi cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn của từng người, thực hiện tốt đòn bẩy tiền lương, tiền thưởng.

            Tận dụng công suất máy móc thiết bị: Tận dụng tối đa công suất máy móc thiết bị tức là sử dụng tốt các loại thiết bị sản xuất kinh doanh, phát huy khả năng hiện có của chúng để có thể sản xuất được nhiều sản phẩm hơn. Kết quả của việc tận dụng công suất thiết bị sẽ khiến cho chi phí khấu hao và một số chi phí cố định khác được giảm bớt trong mỗi đơn vị sản phẩm. Biện pháp tận dụng công suất máy móc thiết bị: chấp hàng đúng định mức sử dụng thiết bị, chấp hành nghiêm chỉnh chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên máy móc thiết bị và ổ chức sản xuất, tổ chức lao động phải cân đối với năng lực sản xuất trong dây chuyền sản xuất.

            Giảm bớt chi phí thiệt hại trong sản xuất: Trong quá trình sản xuất nếu sảy ra sản phẩm hư hỏng hoặc ngừng sản xuất đều dẫn đến sự lãng phí về nhân lực, vật tư và chi phí sản xuất sẽ bị nâng cao, bởi vậy phải ra sức giảm bớt những chi phí này. Trong quá trình tiêu thụ sản phẩm giảm bớt các khoản hao hụt cũng có ý nghĩa tương tự. Biện pháp giảm chi phí thiệt hại: Giảm bớt số lượng sản phẩm hỏng, thực hiện chế độ trách nhiệm vật chất khi sảy ra sản phẩm hỏng, giảm tình trạng ngừng sản xuất bằng cách cung cấp nguyên vật liệu đều đặn, chấp hành chế độ kiểm tra, sửa chữa máy móc đúng kế hoạch, khắc phục tính thời vụ trong sản xuất.

            Tiết kiệm chi phí quản lý hành chính: Chi phí quản lý bao gồm nhiêu loại chi phí như lương của công nhân viên quản lý, chi phí về văn phòng, ấn loát bưu điện, tiếp tân, khánh tiết… Tiết kiệm các khoản này phải chú ý tinh giảm biên chế, nghiêm ngặt cân nhắc hiệu quả của mỗi khoản chi. Biện pháp tích cực để tiết kiệm các khoản chi này là tăng thêm sản lượng sản xuất và tăng doanh thu tiêu thụ của doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm

Để sản phẩm của doanh nghiệp luôn là sự lựa chọn của khách hàng ở hiện tại và trong tương lai thì nâng cao chất lượng sản phẩm là điều cần thiết. Nâng cao chất lượng sản phẩm là sự thay đổi chất liệu sản phẩm hoặc thay đổi công nghệ chế tạo đảm bảo lợi ích và tính an toàn trong quá trình tiêu dùng và sau khi tiêu dùng. Hay nói cách khác nâng cao chất lượng sản phẩm là việc cải tiến sản phẩm có nhiều chủng loại, mẫu mã, bền hơn và tốt hơn. Điều này làm cho khách hàng cảm nhận lợi ích mà họ thu được ngày càng tăng lên khi duy trì tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp, làm tăng lòng tin và sự trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp.

Qua bài viết “Vai trò của chất lượng sản phẩm” của tác giả Thanh Tùy thì lợi ích của việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm như sau:

– Chất lượng sản phẩm tạo ra sức hấp dẫn, thu hút người mua và tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Do mỗi sản phẩm đều có những thuộc tính khác nhau. Các thuộc tính này được coi là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên lợi thế cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Khách hàng hướng đến một thuộc tính nào đó mà họ cho là phù hợp nhất với mình và có sự so sánh với các sản phẩm cùng loại. Bởi vậy sản phẩm có thuộc tính chất lượng cao là một trong những căn cứ quan trọng cho quyết định lựa chọn mua hàng và nâng cao khă năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

– Chất lượng sản phẩm làm tăng uy tín, danh tiếng và hình ảnh của doanh nghiệp, điều này có tác động rất lớn tới quyết định lựa chọn mua và dùng các sản phẩm của khách hàng.

– Chất lượng sản phẩm cao là cơ sở cho hoạt động duy trì và mở rộng thị trường tạo ra sự phát triển lâu dài, bền vững cho các doanh nghiệp.

– Nâng cao chất lượng sản phẩm có ý nghĩa tương đương với tăng năng suất lao động xã hội, giảm phế thải trong sản xuất, nhờ đó giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

– Nâng cao chất lượng sản phẩm còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí, sức lực, còn là giải pháp quan trọng để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận, trên cơ sở đó đảm bảo thống nhất các lợi ích của khách hàng,doanh nghiệp và xã hội.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc nâng cao các khía cạnh sau của sản phẩm:

+ Hình thức sản phẩm: đây là yếu tố bề ngoài của sản phẩm khi nhắc đến sự thẩm mỹ, yếu tố này được thể hiện qua cách bài trí màu sắc, hình dạng, kích thước, đường nét của sản phẩm có gây ấn tượng thu hút cho khách hàng hay không? Việc cải tiến bao bì sản phẩm, đóng gói sản phẩm gọn gàng đẹp mắt, tiện sử dụng sẽ là một cách thu hút được sự chú ý của khách hàng.

+ Độ bền của sản phẩm: độ bền của sản phẩm hay còn được gọi là tuổi thọ của sản phẩm là một trong những yếu tố cấu thành lên chất lượng sản phẩm. Độ bền của sản phẩm biểu hiện khả năng duy trì được các tính năng công dụng của sản phẩm đó. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm có được khả năng duy trì được tính năng, công dụng của nó trong một thời gian dài hoặc có thể hoạt động được trong nhiều điều kiện khác nhau là một yếu tố quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh.

+ Mức độ tin cậy của sản phẩm là khả năng sản phẩm hoạt động đúng, chính xác về tính năng, công dụng, công suất như thiết kế hay quảng cáo của sản phẩm đã đề ra. Độ tin cậy của sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào khâu quản lý chất lượng nguyên vật liệu đầu vào, công tác quản lý giám sát trong việc sản xuất sản phẩm. Vì vậy để làm được điều đó doanh nghiệp cần tăng cường tìm các đối tác cung cấp nguyên vật liệu uy tín hoặc phát triển đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm để duy trì và nâng cao được chất lượng của sản phẩm của doanh nghiệp.

+ Sự tiện dụng của sản phẩm cũng là yếu tố tạo nên chất lượng sản phẩm, tính tiện dụng được thể hiện ở khả năng vận chuyển, dễ sử dụng, dễ sửa chữa, thay thế hoặc dễ bảo quản của sản phẩm. Để nâng cao tính tiện dụng của sản phẩm thì doanh nghiệp cần thêm một lần nữa quan tâm đến cách thứ đóng gói của sản phẩm làm sao cho thật nhỏ gọn và tiện dụng. Hơn nữa mặc dù sản phẩm sẽ luôn được nâng cấp cải tiến những tính năng mới, tuy nhiên doanh nghiệp cần linh động tìm các giải pháp sản xuất các linh kiện dự trữ mà có thể đáp ứng được nhiều phiên bản của sản phẩm. Từ đó việc sửa chữa và thay thế sản phẩm sẽ dễ dàng và tiện dụng hơn.

+ Độ an toàn của sản phẩm được xem là yếu tố khách hàng quan tâm khi mua và sử dụng sản phẩm. Một sản phẩm đạt chuẩn không thể nào thiếu vắng đi yếu tố an toàn mà nó đem lại. Doanh nghiệp cần khảo sát những yêu cầu của khách hàng về các đặc tính an toàn mà khách hàng yêu cầu sản phẩm phải có hoặc là tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp bằng cách lập ra các phòng ban chuyên về kiểm soát chất lượng an toàn của sản phẩm ấy.

Chất lượng sản phẩm được coi là một vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp nhất là đối với doanh nghiệp Việt Nam khi mà họ phải đương đầu đối với các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài vào Việt Nam. Một khi chất lượng hàng hoá dịch vụ không được bảo đảm thì có nghĩa là khách hàng sẽ đến với doanh nghiệp ngày càng giảm, doanh nghiệp sẽ mất khách hàng và thị trường dẫn tới sự suy yếu trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác chất lượng thể hiện tính quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ở chỗ nâng cao chất lượng sẽ làm tăng tốc độ tiêu thụ sản phẩm, tăng khối lượng hàng hoá bán ra, kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm. Nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ làm tăng uy tín của doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Do vậy cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm là một yếu tố rất quan trọng và cần thiết mà bất cứ doanh nghiệp nào dù lớn hay nhỏ đều phải sử dụng nó.

Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc chăm sóc khách hàng

Định nghĩa chăm sóc khách hàng được biết đến chính là những công việc diễn ra nhằm giải quyết những nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất hoặc có thể vượt quá mong đợi của họ. Để có thể hoàn thành tốt được dịch vụ này thì các nhân viên tư vấn cần có các kỹ năng cần thiết của một tư vấn viên chuyên nghiệp.

Hiện nay chúng ta ở thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ vừa là thời cơ vừa là thách thức cho doanh nghiệp. Thời cơ và lợi ích lớn nhất chính là doanh nghiệp có thể áp dụng những thành tựu công nghệ để nâng cao năng suất và giảm nguồn lực trong hoạt động kinh doanh. Nhưng chính điều đó cũng tạo ra một thách thức lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh dài hạn hiệu quả để đứng vững và cạnh tranh, nhất là khi khách hàng có nhu cầu luôn biến đổi và có nhiều sự lựa chọn hơn khi số doanh nghiệp cung cấp cùng loại sản phẩm và dịch vụ ngày càng tăng. Khi đó, chăm sóc khách hàng là hoạt động cần thiết để doanh nghiệp triển khai những chiến lược hiệu quả nhằm nâng cao trải nghiệm và giữ chân khách hàng với những lợi ích sau:

Thu hút và tăng lượng khách hàng: Lợi ích của việc chăm sóc khách hàng đầu tiên mà doanh nghiệp dễ dàng nhận thấy đó là việc số lượng khách hàng tăng lên. Khách hàng sẽ làm gì khi khó có thể liên hệ với doanh nghiệp? Khả năng rất cao họ sẽ khó chịu và lựa chọn một nơi cung cấp dịch vụ khác – nơi có thể tư vấn, giải đáp họ ngay lập tức. Đây là ví dụ để thấy rằng việc mở rộng mạng lưới thông tin liên lạc 24/7 rất quan trọng, không chỉ giúp giải pháp và phản hồi kịp thời để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng mà còn giúp tăng lượng khách hàng tiềm năng.

Gây dựng lòng tin ở khách hàng: Chi phí trung bình để thu hút một khách hàng mới đắt gấp 7 lần khi bám vào khách hàng cũ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng khách hàng có xu hướng chi nhiều hơn và cởi mở hơn sau mỗi lần sử dụng dịch vụ, sản phẩm. Vì thế, việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc khách hàng sẽ giúp gây dựng lòng tin khách một cách hiệu quả. Hãy cho khách hàng thấy rằng việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ ở doanh nghiệp bạn là đúng đắn. Nếu đạt được lòng tin ở khách hàng, thì khả năng rất cao họ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn là tìm kiếm một nhà cung cấp khác.

Tăng tiếp thị giới thiệu doanh nghiệp: Tiếp thị giới thiệu là phương pháp quảng bá sản phẩm, dịch vụ thông qua truyền miệng (Word of mouth). Giới thiệu cực kỳ có giá trị vì chúng mang đến những cơ hội kinh doanh mà không mất một khoảng đầu tư nào. Một dịch vụ khách hàng mang lại cho khách hàng trải nghiệm tồi tệ sẽ gây tai tiếng cho chính doanh nghiệp của bạn khi phản hồi tiêu cực được truyền đi. Tuy nhiên nếu khách hàng hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của công ty thì họ sẽ chủ động giới thiệu với những người khác. Điều này không chỉ giúp tăng lượng khách hàng mà còn là cách tốt để ghi dấu ấn doanh nghiệp trong lòng của họ.

Giúp doanh nghiệp nhỏ tăng tính cạnh tranh: Tại sao một trong những lợi ích của việc chăm sóc khách hàng là giúp doanh nghiệp nhỏ tăng tính cạnh tranh? Điểm yếu của doanh nghiệp nhỏ đó là ngân sách và nguồn nhân lực hạn chế. Điều này khiến họ khó có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn về cả ngân sách, nhân lực trình độ cao và quy mô tổ chức, Tuy nhiên, với dịch vụ khách hàng hiệu quả doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể khẳng định bản thân bằng cách mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mà những doanh nghiệp lớn không thể mang lại.

Vậy để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc chăm sóc khách hàng thì các giải pháp cần thực hiện như sau:

+ Nâng cao chất lượng dịch vụ sửa chữa, bảo hành sản phẩm: Không ai có thể đảm bảo 100% sản phẩm của mình được vận hành tốt đẹp. Khi doanh nghiệp kéo dài thời gian bảo hành sẽ khiến khách hàng an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm. Giống như việc cho phép đổi trả hàng, thời gian bảo hành của 1 sản phẩm càng lâu thì cơ hội khách hàng lựa chọn sản phẩm của bạn sẽ càng cao. Một số doanh nghiệp hiện nay cung cấp sản phẩm, dịch vụ còn đưa thêm dịch vụ “tự bảo hành” để khiến khách hàng tin tưởng chất lượng sản phẩm. Nhiều khách hàng nói rằng, mặc dù giá sản phẩm có cao hơn các cửa hàng khác nhưng chính sách bảo hành ở đây làm cho họ yên tâm nên đã quyết định tin tưởng và đặt hàng. Hơn nữa, nếu cho phép đổi trả hàng hóa, sản phẩm trong thời gian bảo hành lâu hơn đối thủ cạnh tranh sẽ là một thông điệp giúp bạn khẳng định được rằng, “sản phẩm của tôi thực sự tốt”. Thời gian đổi trả càng lâu thì khách hàng càng có sự tin tưởng đối với sản phẩm của bạn hơn.

+ Nâng cao kỹ năng chăm sóc khách hàng của đội ngũ nhân viên: Hầu hết doanh nghiệp đều tìm giải pháp nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng. Cụ thể đó là nâng cao kỹ năng của mỗi nhân viên ở bộ phận chăm sóc khách hàng. Điều khách hàng cần là bạn lắng nghe họ. Họ cần bạn để giải quyết vấn đề của họ đang gặp phải chứ không đơn thuần là nghe xong rồi để đấy. Khi khách cảm thấy mình được lắng nghe, họ sẽ thấy mình được tôn trọng. Ngoài ra, khi bạn lắng nghe khách hàng sẽ nắm rõ được toàn bộ thông tin chính xác. Đây là căn cứ để bạn ghi chép đầy đủ và phát hiện ra điểm mấu chốt vấn đề của khách cần xử lý. Việc bạn cho thấy khách hàng đang được lắng nghe nghĩa là bạn đang có thiện chí đứng về phía khách hàng. Khách sẽ tin tưởng bạn hơn. Hình ảnh của bạn cũng được củng cố vưng chắc hơn trong lòng của khách. Để có kỹ năng xử lý tình huống tốt và linh hoạt, đội ngũ nhân viên cần trau dồi kiến thức về sản phẩm và dịch vụ theo chiều sâu, cải thiện giọng nói tốt và truyền cảm hơn, Nâng cao đạo đức nghề nghiệp,…

 Chăm sóc khách hàng trên các kênh mạng xã hội: Hiện nay, dường như cả thế giới đều sử dụng mạng xã hội để tương tác. Và theo con số thống kê có tới 56% người tiêu dùng được hồi đáp về các comment cũng như inbox của họ. Khách hàng được trải nghiệm những điều tuyệt vời: Thông tin được phản hồi nhanh chóng, Nhân viên luôn thân thiện và lắng nghe, xử lý tiêu cực theo cách nhẹ nhàng và rất khéo léo,… Từ đây, khách hàng sẽ cảm thấy tin tưởng và có nhu cầu, mong muốn tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Vấn đề quản lý và chăm sóc khách hàng trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau. Có thể là Facebook, Zalo hay Instagram hoặc Fanpage,… Điều doanh nghiệp cần làm là lựa chọn nền tảng mạng xã hội thích hợp với ngành nghề kinh doanh. Bạn hãy luôn đặt phương châm “thân thiện, đồng cảm, thấu hiểu” cùng với khách hàng.

Tiêu chí đánh giá việc nâng cao năng lực cạnh tranh
Tiêu chí đánh giá việc nâng cao năng lực cạnh tranh

3. Tiêu chí đánh giá việc nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong “Giáo trình Lập Dự Án Đầu Tư” của PGS.TS. Nguyễn Bạch Nguyệt thì để đánh giá việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp có 2 tiêu chí sau:

a.Thị phần nắm giữ

Trên thực tế có rất nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác, trong đó thị phần là một chỉ tiêu thường hay được sử dụng. Thị phần được hiểu là phần thị trường mà doanh nghiệp chiếm giữ trong tổng dung lượng thị trường.

Thị phần = Doanh thu của các doanh nghiệp                                                                         x100%
Doanh thu của thị trường

            Chỉ tiêu này càng lớn nói lên sự chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp càng rộng. Thông qua sự biến động của chỉ tiêu này ta có thể đánh giá mức động hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả hay không bởi nếu doanh nghiệp có một mảng thị trường lớn thì chỉ số trên đạt mức cao nhất và ấn định cho doanh nghiệp một vị trí ưu thế trên thị trường. Nếu doanh nghiệp có một phạm vi thị trường nhỏ hẹp thì chỉ số trên ở mức thấp, phản ánh tình trạng doanh nghiệp đang bị chèn ép bởi các đối thủ cạnh tranh. Bằng chỉ tiêu thị phần, doanh nghiệp có thể đánh giá sơ bộ khả năng chiếm lĩnh thị trường so với toàn ngành.

Thị phần hay tỷ trọng trong thị trường (market share) là tỷ trọng của một doanh nghiệp cá biệt trong tổng mức tiêu thụ hay sản lượng của một thị trường. Số liệu về tỷ trọng thị trường được dùng để tính mức độ tập trung hóa người bán trong một thị trường.Các nhà đầu tư và các nhà phân tích theo dõi sự tăng và giảm thị phần  một cách rất cẩn thận, bởi vì đây có thể là một dấu hiệu của khả năng cạnh tranh tương đối của các sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty. Khi tổng thị trường cho một sản phẩm hoặc dịch vụ tăng lên, một công ty duy trì được thị phần của mình sẽ tăng doanh thu ở mức độ và tốc độ tương tự như tổng thị trường. Một công ty đang phát triển thị phần sẽ tăng doanh thu nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh.Thị phần tăng có thể cho phép một công ty đạt được quy mô hoạt động  lớn hơn và cải thiện khả năng sinh lời. Một công ty có thể cố gắng mở rộng  thị phần của mình bằng cách giảm giá, sử dụng quảng cáo hoặc giới thiệu sản phẩm mới hay khác biệt. Ngoài ra, nó cũng có thể tăng kích thước thị phần của nó bằng cách hấp dẫn những đối tượng hoặc nhân khẩu học khác.

b.Lợi nhuận của công ty trên thị trường

            – Doanh thu là số tiền mà doanh nghiệp thu được khi bán hàng hóa hoặc dịch vụ. Lợi nhuận là khoản tiền thu về sau khi đã trừ đi chi phí. Bởi vậy mà doanh thu và lợi nhuận có thể được coi là một chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh.

Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

            Căn cứ vào chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận qua từng thời kỳ hoặc qua các năm ta có thể đánh giá được kết quả hoạt động kinh doanh là tăng hay giảm, theo chiều hướng tốt hay xấu. Nhưng để đánh giá được hoạt động kinh doanh đó có mang lại được hiệu quả hay không ta phải xét đến những chi phí đã hình thành nên doanh thu đó. Nếu doanh thu và chi phí của doanh nghiệp đều tăng lên qua các năm nhưng tốc độ tăng của doanh thu lớn hơn tốc độ tăng của chi phí thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá là tốt, doanh nghiệp đã biết phân bổ và sử dụng hợp lý yếu tố chi phí.

–  Tỷ suất lợi nhuận: Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cùng thu về một khoản lợi nhuận như nhau nhưng vẫn tồn tại các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh khác nhau. Điều này được giải thích qua hệ số tỷ suất lợi nhuận khác nhau

                            Tỷ suất lợi nhuận = Lợi nhuận / Tổng chi phí

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Giáo trình Quản trị Chiến lược cạnh tranh, 2008, PGS.TS Lê Thế Giới, TS. Nguyễn Thanh Liêm
  • TS Lê Thế Giới – TS. Nguyễn Xuân Lãn – Th.S Võ Quang Trí – Th.S Đinh Thị Lệ Trâm – Th.s Phạm Ngọc Ái (2011), Quản trị Marketing, NXB Tài Chính.
  • Nguyễn Thị Liên Diệp và Phạm Văn Nam, 2016. Chiến lược cạnh tranh & chính sách kinh doanh. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Lao động – Xã hội.
  • Dương Hữu Hạnh, 2006. Kinh doanh quốc tế trong thị trường toàn cầu hóa. Hà Nội: Nhà xuất bản lao động – Xã hội.
  • Đào Duy Huân và Lê Văn Hiền, 2016. Quản trị chiến lược cạnh tranh trong toàn cầu hóa kinh tế. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
  • Phillipe Lasserre và Joseph Putti, 1996. Chiến lược cạnh tranh quản lý và kinh doanh. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
  • Michael E. Poster (2010), giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, NXB Trẻ, Hồ Chí Minh.
  • Michael E. Poster (2010), Lợi thế cạnh tranh, NXB Trẻ, Hồ Chí Minh.
  • Dave Ketchen and Jeremy Short, 2008. Mastering Strategic Management.1.0, Flat World Knowledge.
  • Gerry Johnson and Kevan Scholes, 2006. Exploring Corporate Stratery, 8th, Prentice Hall
  • Michael E. Porter (1996), Chiến lược cạnh tranh, NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
  • Trần Sửu (2005), Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện toàn cầu hóa, NXB Lao động
  • Michael E.Porter,1998. Competitive Strategy,2nd, Free Press.
  • Michael E.Porter, 1996. What is Strategy?, Harvard Business Review.vn
  • Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển quốc gia Việt Nam  (2002),
  • Từ điển bách khoa Việt Nam tập 2, NXb Từ điển bách khoa, Hà Nội
  • Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển quốc gia Việt Nam  (2003),
  • Từ điển bách khoa Việt Nam tập 3, NXb Từ điển bách khoa, Hà Nội
  • Hội Ngôn ngữ học (1995), Từ điển thương mại Anh- Pháp – Việt, Nxb Khoa học kỹ thuật, Hà Nội
  • Đặng Thành Hưng (2012), “Năng lực và giáo dục theo tiếp cận năng lực”, Tạp chí Quản lý giáo dục, Hà Nội
  • Nguyễn Bách Khoa (1999), Chiến lược kinh doanh quốc tế, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  • Nguyễn Bách Khoa (2004), “Phương pháp luận xác định năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp”, Tạp chí Khoa học thương mại, (số 4 +5).
  • Vũ Trọng Lâm (2006), Nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  • Nguyễn Thị Loan (2005), Nâng cao chất lượng tín dụng tại Sở Giao dịch Ngân hàng Công thương Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
  • Lê Thị Thiên Lý (2006), Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Công thương Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
  • Phí Văn Mạnh (2005), Giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, Thành phố Hồ Chí
  • Nguyễn Thị Mùi (2006), Quản trị Ngân hàng thương mại, Nxb Tài chính, Hà Nội.
  • Đinh Thị Nga (2005), Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
  • Nguyễn Thủy Nguyên (2006), WTO Thuận lợi và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, Nxb Lao động – Xã hội, TP Hồ Chí
  • Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Hà Nội.
  • Philip Kotler (2003), Quản trị Marketing, Nxb Thống kê, Hà Nội.
  • Michael Porter (2016), Chiến lược cạnh tranh, Nxb Trẻ, Hà Nội
  • Michael Porter (2016), Lợi thế cạnh tranh, Nxb Trẻ, Hà Nội
  • Hoàng Phê (2015), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng
  • Nguyễn Thanh Phong (2010), “Năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế”, Tạp chí Phát triển kinh  tế, (số 12), trang 223-230;

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *