Nhìn nhận cơ hội và thách thức của Việt Nam trong TPP

Nhìn nhận cơ hội và thách thức của Việt Nam trong TPP

Nhìn nhận cơ hội và thách thức của Việt Nam trong TPP
Nhìn nhận cơ hội và thách thức của Việt Nam trong TPP

Quan hệ thương mại, đầu tư 

Các chỉ số thống kê một số chỉ tiêu chủ yếu của các thành viên TPP như sau:

Bảng 1:  Một số chỉ tiêu chủ yếu về TPP (nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tên nước/Số liệu

 

Diện tích (1.000 km2) Dân số 2012 (triệu người) GDP 2011 (nghìn tỷ USD) XK (tỷ USD) NK(tỷ USD)
1. Mỹ 9.512,1 313,9 14.991 2.094 2.662
2. Nhật Bản 377,5 127,6 5.867 893 947
3. Canada 11.633,3 34,9 1.736 541 562
4. Singapore 0,7 5,3 240 501 432
5. Mexico 1.967,8 116,1 1.153 365 381
6. Australia 7.333,3 22 1.379 294 273
7. Malaysia 329,5 20,9 288 264 218
8. Chile 756,5 17,4 249 93 86
9. Peru 1.308,7 30,1 177 51 44
10.Newzealand 275 4,4 160 48 46
11. Brunei 5,6 0,4 16 12 3
12.Việt Nam 331,3 (8) 88,8 (4) 133 (11) 115 (8) 114
Cộng 33.831,3 781,8 26.389 5.271 5.768

So với toàn thế giới, hiện các thành viên tham gia đàm phán TPP chiếm 24,9% về diện tích; 11,1% về dân số; chiếm 37,7% về GDP; chiếm khoảng 19,3% về xuất khẩu, khoảng 21,1% về nhập khẩu.

Trong 12 thành viên TPP, Việt Nam đứng thứ 8 về diện tích, thứ 4 về dân số, thứ 11 về GDP, thứ 8 về xuất khẩu, thứ 8 về nhập khẩu. Trong 12 nước, có 4 nước nhập siêu, lớn nhất là Mỹ; có 8 nước xuất siêu, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam chiếm 0,5% về GDP, chiếm 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm gần 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của TPP.

Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào TPP năm 2010 chiếm 43,3%, năm 2013 chiếm 39%. Nhập khẩu của Việt Nam năm 2013 từ TPP chiếm 22,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam vào TPP chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước thành viên TPP. Điều đó chứng tỏ TPP là thị trường tiềm năng của Việt Nam.

Trong quan hệ buôn bán giữa Việt Nam với các thành viên còn lại của TPP, Việt Nam ở vị thế xuất siêu khá lớn (năm 2013 đạt 21,4 tỷ  USD, bằng 41,5% kim ngạch xuất khẩu). Trong 11 nước, Việt Nam xuất siêu với 6 nước, lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada…; nhập siêu với 5 nước, lớn nhất là Singapore.

Đầu tư trực tiếp của các thành viên TPP vào Việt Nam (tính từ 1988 đến hết 2013) như sau: Nhật  Bản 30 tỷ  USD, đứng thứ 1; Singapore 27,89 tỷ  USD, đứng thứ 3; Mỹ 10,56 tỷ  USD, đứng thứ 7; Malaysia 10,20 tỷ  USD, đứng thứ 8; Australia 1,38 tỷ  USD, đứng thứ 15. Chỉ với 5 đối tác này tổng lượng vốn FDI đăng ký đã đạt trên 80 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng lượng vốn FDI ở Việt Nam.

Cơ hội chủ yếu

Các cơ hội do việc tham gia TPP mang lại có nhiều, trong đó, chủ yếu gồm:

Thứ nhất, tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, nhờ TPP gồm các thị trường lớn, trong đó có 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam; thuế nhập khẩu về mức 0%; Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP. Các mặt hàng được hưởng lợi lớn là dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và nông sản. Đó là những mặt hàng mà kim ngạch xuất khẩu vào các nước thành viên TPP chiếm tỷ trọng lớn.

Thứ hai, việc tham gia TPP sẽ giúp cho Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường khác. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013 từ Trung Quốc là 36,95 tỷ USD, Hàn Quốc 20,7 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) 9,42 tỷ USD, Thái Lan 6,31 tỷ USD, Singapore 5,7 tỷ USD (chỉ với 5 thị trường này đã đạt 79,1 tỷ USD, chiếm 59,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam).

Cũng chỉ với 5 thị trường này, tổng mức nhập siêu lên đến 51,22 tỷ USD, trong đó riêng Trung Quốc đã chiếm gần một nửa. Đáng lưu ý, việc nhập khẩu, nhập siêu lớn từ Trung Quốc có một phần do là nước láng giềng có đường biên giới dài, một phần lớn do nhiều người ở Việt Nam ham giá rẻ, trong khi máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng lớn thì không phải là công nghiệp nguồn, nhiều loại hàng tiêu dùng không được kiểm tra chặt chẽ, vệ sinh an toàn…

Theo quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các thành viên TPP muốn được hưởng thuế suất như trên, thì phải có nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP. Tuy nhiên, phần nguyên phụ liệu của Việt Nam phần lớn lại phụ thuộc nhập khẩu từ các nước nằm ngoài TPP (nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, một số nước trong khu vực ASEAN).

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần đẩy mạnh phát triển công nghệ phụ trợ; đẩy mạnh sản xuất nguyên vật liệu sản xuất ở trong nước; chuyển trọng tâm nhập khẩu sang các thành viên TPP…

Thứ ba, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam của các nước thành viên TPP và các nước khác ngoài TPP sẽ gia tăng để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu vào TPP, nhất là các thị trường lớn, như Mỹ, Nhật Bản, Canada…

Thứ tư, tham gia và với tác động của  TPP với các cam kết sâu, rộng hơn WTO đòi hỏi Việt Nam đẩy nhanh công cuộc tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng…

Thứ năm, theo Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới thể chế, thì việc tham gia TPP của Việt Nam sẽ có tác động tích cực trong việc hoàn thiện thể chế cũng như cải cách hành chính.

Thách thức không nhỏ

Thách thức lớn và dễ thấy nhất là sức ép cạnh tranh. Thách thức sức ép cạnh tranh xuất phát từ 3 động thái, đó là việc giảm thuế nhập khẩu về 0%; mở cửa thị trường dịch vụ đầu tư và mua sắm chính phủ trong khuôn khổ TPP.

Sức ép cạnh tranh do giảm thuế nhập khẩu về 0%, chủ yếu đến từ các nước mà Việt Nam hiện chưa có quan hệ FTA, gồm Mỹ, Canada, Mexico và Peru; còn 7 nước mà Việt Nam đã có quan hệ FTA như Brunei, Malaysia, Singapore, Australia, Chile, New Zealand, Nhật Bản, thì trong tương lai gần, dù Việt Nam có tham gia hay không tham gia TPP, thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa của những nước này vẫn được hạ về 0%. Ngay cả đối với 4 nước mà Việt Nam chưa có quan hệ FTA, thì hoặc là có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh với cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam (như Mỹ, Canada), hoặc là không có triển vọng nhâm nhập thị trường Việt Nam với mức độ lớn để gây ra sức ép cạnh tranh (như Peru, Mexico).

Nếu phân tích sâu cơ cấu xuất khẩu của các ngành công nghiệp, có thể thấy mức độ cạnh tranh cụ thể như sau:

– Những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn sẽ là ô tô, thịt lợn, thịt bò và đường; sau đó là thực phẩm chế biến, rượu và  hoá phẩm tiêu dùng;

– Những mặt hàng được bảo hộ cao như muối, lá thuốc lá, trứng gia cầm, thép, giấy…, do các nước TPP hoặc là không xuất khẩu hoặc là xuất khẩu hướng đến phân khúc thị trường khác so với sản xuất trong nước;

– Riêng với xăng dầu, tác động được xét chủ yếu là Việt Nam sẽ mất đi một trong những công cụ điều hành giá quan trọng.

Trong việc mở cửa lĩnh vực dịch vụ, sau 7 năm thực hiện cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì độ mở của lĩnh vực này đã khá hơn, nhưng sức ép cạnh tranh từ 3 ngành chính là ngân hàng, thương mại bán lẻ và một phần từ viễn thông giá trị gia tăng.

Trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, sức ép cạnh tranh tuy có nhưng sẽ tăng lên dần.

Một thách thức không nhỏ khác là thu ngân sách. Năm 2013, thách thức này chủ yếu đến từ hiệu quả sản xuất kinh doanh ở trong nước và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Khi tham gia TPP, thách thức sẽ có thêm từ việc giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, việc tăng quy mô xuất nhập khẩu sẽ được bù đắp bằng thu từ thuế giá trị gia tăng (loại thuế không phải xoá bỏ trong FTA).

TPP là mô hình mới về hợp tác kinh tế, vừa có tính toàn diện, vừa có mức độ cam kết sâu. Vì thế, tận dụng được cơ hội để hạn chế và vượt qua thách thức sẽ tạo ra kỳ vọng mới.

Minh Ngọc

Nguồn: Báo điện tử chính phủ

By admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *